Soạn Văn lớp 10 Bộ kết nối tri thức với cuộc sống | Văn bản 4: Thu hứng (Bài 2: Vẻ đẹp thơ ca)

Ngày 21/10/2022 17:32:08, lượt xem: 1964

Bài 2: VẺ ĐẸP THƠ CA

Văn bản 4: Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) - Đỗ Phủ

 

 

Câu 1. Mô tả một số đặc điểm cơ bản của thơ Đường luật (bố cục, cách gieo vần, luật bằng - trắc, phép đối) được thể hiện trong bài Thu hứng.

 

Thể thơ

Bố cục

Cách gieo vần

Luật bằng trắc

Đối

Thất ngôn bát cú Đường luật (8 câu, mỗi câu 7 chữ)

- Cảnh thơ/ tình thơ (4/4)

- Đề, thực, luận, kết.

Gieo vần bằng, được gieo ở tiếng cuối của câu 1, 2, 4, 6, 8

(lâm, sâm, âm, tâm, châm)

Đảm bảo quy tắc về luật thanh điệu (Nhất - tam - ngũ bất luận/ Nhị - tứ - lục phân minh)

Đối thanh, đối từ ngữ, hình ảnh. Ví dụ:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

 

Câu 2. Đối chiếu hai bản dịch thơ với nguyên văn (thông qua bản dịch nghĩa), từ đó, chỉ ra những chỗ hai bản dịch thơ có thể chưa diễn đạt hết sắc thái và ý nghĩa của nguyên văn.

Trong sách giáo khoa có một bản dịch nghĩa, hai bản dịch thơ (một bản dịch của Nguyễn Công Trứ, một bản dịch của Khương Hữu Dụng). Đây đều là những bản dịch hay, đặc biệt là bản dịch của Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, có một số chỗ bản dịch thơ chưa thể hiện được hết sắc thái và ý nghĩa của nguyên văn. So sánh bản dịch thơ của Nguyễn Công Trứ với nguyên văn, có thể nhận ra một số điểm sau:

- Câu 1:

+ Bản dịch thơ thêm tính từ “lác đác” không có trong nguyên văn. “Lác đác” là từ chỉ sự thưa thớt, trong khi nguyên văn nhấn mạnh sự tàn phá dữ dội của sương móc trắng đối với rừng cây phong.

+ Rừng cây phong trong nguyên văn là “đối tượng” chịu tác động, trong câu dịch dễ hiểu thành trạng ngữ của câu: hạt móc sa lác đác ở rừng cây phong.

- Câu 2:

+ Bản dịch thơ dịch thoát ý, lược mất địa danh cụ thể (núi Vu, kẽm Vu), vốn gắn với hoàn cảnh luân lạc cụ thể của nhà thơ. 

+ Cụm từ “khí thu loà” có sắc thái nhẹ (khí thu nhạt nhoà), còn từ “tiêu sâm” trong nguyên văn diễn đạt sự tiêu điều, hiu hắt, thảm đạm của khí thu, cảnh thu.

- Câu 3, 4: Bản dịch thơ đảo cấu trúc của mỗi câu, không chỉ rõ sự vận động theo hai chiều đối lập (câu 3 – từ thấp lên cao và câu 4 – từ cao xuống thấp), từ giữa dòng sông sóng tung lên trùm cả bầu trời, từ trên núi cao mây sà xuống làm mặt đất âm u. Ý nguyên văn diễn đạt một vũ trụ chao đảo, dữ dội. Các từ “sóng rợn” và “mây đùn” trong bản dịch thơ chưa diễn tả hết ý này.

- Câu 5: Bản dịch bỏ mất hai từ “lưỡng khai” chỉ số lần, làm mất đi dụng ý mà nhà thơ muốn thể hiện trong nguyên tác.

- Câu 6: Bản dịch bỏ mất từ “cô” chỉ nỗi cô đơn, hiu quạnh, làm mất đi dụng ý ,à nhà thơ muốn thể hiện trong nguyên tác.

- Câu 7: Bản dịch thơ dùng từ “lạnh lùng” không diễn đạt rõ ý của từ “hàn y” (áo rét) trong nguyên văn.

 

ĐỌC THÊM SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | VĂN BẢN 1: CHÙM THƠ HAI-CƯ NHẬT BẢN (BÀI 2: VẺ ĐẸP THƠ CA)

 

Câu 3. Những hình ảnh và từ ngữ nào được dùng để gợi không khí cảnh thu trong bốn câu thơ đầu? Khung cảnh mùa thu này có thể gợi cho bạn những ấn tượng gì?

Trong bốn câu thơ đầu, tác giả đã sử dụng hình ảnh rừng phong, núi, sông, sương móc, mây mù, … để mô tả cảnh thu. Những từ ngữ “điêu thương” (tiêu điều, đau thương), “khí tiêu sâm” (hiu hắt, điêu tàn), “địa âm” (mặt đất âm u), … gợi nên cảm giác về một không gian rộng lớn, hoang vu, u ám và lạnh lẽo.

 

Câu 4. Nhận diện nhân vật trữ tình được thể hiện qua các từ ngữ và hình ảnh trong câu thơ 5 - 6.

Trong câu thơ: “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô chu nhất hệ cố viên tâm” những hình ảnh như “khóm cúc nở hoa”, “nước mắt”, “con thuyền lẻ loi” vừa cho biết hoàn cảnh sống khốn cùng của nhà thơ (đã xa quê hai năm và còn lênh đênh phiêu dạt chưa biết ngày về), đồng thời khắc họa nỗi buồn nhớ và sự gắn bó sâu nặng của ông đối với quê hương.

 

Câu 5. Việc mô tả khung cảnh sinh hoạt của con người ở hai câu thơ kết có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình?

Trong hai câu kết: “Hàn y xứ xứ thôi đao xích/ Bạch Đế thành cao cấp mộ châm”. Khung cảnh sinh hoạt của con người với âm thanh tiếng chày đập áo có sức gợi cảm và tác động mạnh tới tâm trạng của nhân vật trữ tình. Qua hình ảnh này, nhà thơ bộc lộ khát khao mãnh liệt về một cuộc sống bình yên cho bản thân, gia đình và những người dân vô tội.

 

Câu 6. Thu hứng được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt của cuộc đời Đỗ Phủ. Phải chăng tác phẩm chỉ thể hiện nỗi niềm thân phận cá nhân của nhà thơ?

Thu hứng được sáng tác năm 766, khoảng bốn năm trước khi nhà thơ qua đời. Đây là giai đoạn nhà thơ cùng gia đình phải chạy loạn An Lộc Sơn và phải sống trong cảnh tận cùng đói rét, bần hàn. Tuy nhiên, Thu hứng không chỉ thể hiện nỗi niềm thân phận cá nhân của tác giả. Qua tâm trạng nhân vật trữ tình, bài thơ còn tố cáo mạnh mẽ những cuộc chiến tranh phi nghĩa và niềm xót thương những kiếp người lầm than, đau khổ.

 

Câu 7. Có ý kiến cho rằng câu thơ nào trong bài thơ cũng thể hiện cảm xúc mùa thu, nỗi niềm tâm sự của tác giả trong mùa thu. Bạn nghĩ gì về ý kiến này?

Đúng như tên bài thơ Thu hứng - cảm hứng về mùa thu và tâm sự của tác giả trong mùa thu li hương bao trùm toàn bộ văn bản. Gần như phần, đoạn, câu thơ nào cũng cho thấy không khí và cảnh tượng mùa thu nơi núi rừng hoang vu, lạnh lẽo mà gia đình nhà thơ đang sinh sống và tâm trạng buồn thương thê thiết của tác giả.

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan